Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Ẩm Thực New Zealand

New Zealand được thế giới biết đến bởi những sản phẩm có hương vị tuyệt vời và tinh khiết như thịt mềm, bơ sữa, hải sản đặc sắc, rau quả chín mọng, rượu hảo hạng và các loại đặc sản như muối biển tự nhiên, sô-cô-la, xốt chutney, các loại nước chấm.

Với hải sản tươi sống, mật ong bổ dưỡng và nước trái kiwi thơm ngon cùng cách thức chế biến đơn giản, 3 món ăn và thức uống đặc trưng của Newzland dưới đây không chỉ mang đến sự ngon miệng, tươi mát mà còn rất bổ dưỡng cho gia đình bạn.

Bánh xếp việt quất với phô-mai Mascarpone và mật ong Newzealand


Nguyên liệu:

150g bột mì, 2 thìa súp đường kính (30mg), 1 thìa cà phê bột sô đa, một ít muối, 150g việt quất tươi New Zealand (blueberry), 268ml kem sữa béo (buttermilk), 2 thìa súp nước, 1 quả trứng gà lớn, 2 thìa súp bơ nóng chảy, dầu ăn.

Kem sữa trang trí: Một miếng to phô-mai Mascarpone (hoặc có thể thay thế bằng kem tươi, 2 thìa súp mật ong New Zealand.

Thực hiện:

Rắc bột mì vào tô lớn cùng với đường, bột sô đa, và một ít muối. Cho 100g việt quất vào đảo đều.

Trộn kem bơ sữa, sữa, trứng và bơ nóng chảy trong một tô khác. Cho hỗn hợp này vào tô bột trên, quật đều đến khi sánh đặc. Đun nóng dầu, để lửa vừa, khi dầu sủi bọt cho 2 thìa súp hỗn hợp bột vào (mỗi bánh xếp thành 2 thìa súp bột). Chiên đến khi mặt bánh cứng lại, lật mặt, để thêm 30 giây đến khi ngả sang màu nâu.

Chiên tiếp bánh cho hết phần bột, những bánh đã chiên xong để trong lò nướng để giữ nóng. Xếp ra mỗi đĩa 3 lớp bánh chồng lên nhau cùng với các trái việt quất tươi. Đặt một mẩu phô-mai Mascarpone trên đỉnh, rưới mật ong Manuka New Zealand lên.

Sinh tố nhiệt đới

new2.jpg

Nguyên liệu:

2 trái kiwi Zespri Green, 3 lá bạc hà, 1/2 quả chuối chín, 1/2 cốc dưa hoàng kim cắt khoanh, 1/2 cốc nước cốt dừa, 1/3 cốc yauort tự nhiên không béo, 1/2 cốc nước ép táo.

Thực hiện:

Kiwi gọt vỏ, cắt đôi. Chuối chín bóc vỏ. Cho tất cả vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn, thêm nước ép táo để chỉnh khẩu vị

Trút ra ly, trang trí với ống hút và lá bạc hà.

Sandwich cá hồi biển New Zealand với xốt tartar đặt trên măng tây tưới dầu hẹ

new3.jpg

Nguyên liệu:

450g cá hồi phi lê muối, 230g cá hồi tươi thái mỏng, 2 trứng gà luộc chín và tách riêng lòng đỏ lòng trắng, 2 trái dưa leo ngâm nhỏ, 1 thìa súp hẹ cắt nhuyễn, 1 thìa cà phê mù tạc Dijon, 1 thìa súp hạt kép (caper), 1 củ hành thái nhỏ, 1 thìa cà phê kem cải ngựa (horseradish), 4 thìa súp kem crème fraiche, 2 thìa cà phê trứng cá hồi muối, 12 ngọn măng tây xanh, 4 thìa súp dầu hẹ.

Thực hiện:

Cắt cá hồi thành khoanh hình chữ nhật, sau đó cắt lát ngang ra thành từng 3 lát một.

Băm nhuyễn dưa chuột, hẹ, hạt kép, hành, trứng và cá hồi.

Trộn hỗn hợp vừa băm với mù tạc, 1/2 kem crème fraiche và kem cải ngựa. Cho hỗn hợp này vào giữa các lát cá hồi, ép nhẹ, để 4 giờ. Sau đó cắt thành 4 khoanh

Nhúng tái măng tây, cắt thành 2 đoạn bằng nhau. Đặt các khoanh cá hồi đã cắt lên lớp măng tây xếp trên đĩa. Trang trí với hỗn hợp kem crème fraiche trộn với kem cải ngựa.

Đặt lên đỉnh một ít trứng cá hồi, rưới dầu hẹ lên.

Ẩm Thực Mexico

Bánh burrito của Mễ (Mexico) làm người ta liên tưởng đến cuốn bánh tráng bằng cẳng tay của ngườ i dân xứ Bình Định, tuy rằng nội dung cuốn bên trong mỗi nơi mỗi khác. Burrito giờ đây đã hấp dẫn một số người Việt Nam bởi hương vị là lạ, beo béo, chua chua của nó.

Trong cái cuốn burrito ấy, trừ phần nhân chính là thay đổi từ đầu, gà các kiểu đến bò các kiểu, còn phần nhân phụ thường theo một công thức nhất định. Công thức ở California Burrito là bơ cheddar, cải, xốt trái lê xứ Mễ và xốt salsa Tây Ban Nha, cơm. Riêng cuốn bánh grilled steak thì bánh cuốn được nướng giòn.

Món Mễ ở đây còn thấy nổi lên "mâm" tacos. Nó giống như một mâm cỗ nhỏ gồm nào thịt/tôm xay hoặc nướng, một nhúm cơm, một nhúm xốt lê, một nhúm xốt salsa, một chút cà chua xắt hột lựu, bắp cải, ô liu xắt nhuyễn, phết bơ lên miếng thịt/tôm, như món tôm flautas chẳng hạn. Nó không giống món ăn Việt khi tất cả gia vị hợp nhất vào món ăn như một hợp âm chồng những nốt nhạc lên nhau phát ra cùng một lúc, nó như nhiều nốt nhạc lần lượt diễn ra trong thời gian cực ngắn.





Nhưng nói chung, với người nghiện nước mắm và không ưa béo, thì món ăn Mễ chỉ là một phiêu lưu lạ lẫm cho biết, rồi thôi, thật khó mà bị níu giữ. Nhưng nói bảo thủ vậy thôi, chớ thường ngày mấy cái California Burrito vẫn đông khách, khách Việt Nam cũng nhiều dần lên.





Không gian của những cửa hàng bánh cuốn này cũng giống như một quán xép gồm có chỗ ngồi cho hai người, ba người, bốn người và bên cạnh là cái hàng quán đồng thời là nhà bếp với màu sắc rực rỡ rất mực Mexico.

Văn Hóa Ẩm Thực Italia

Bữa sáng cho công việc hầu như không được biết đến. Trừ những ngoại lệ hiếm hoi ở các thành phố lớn . Bữa sáng ở các quán ăn (quán cà phê) được phục vụ từ 7h30 đến 10h sáng. Theo đặc trưng, bữa sáng bao gồm một bánh mỳ nướng dạng ổ giống như bánh mỳ hình lưỡi liềm của Pháp.


Bánh có thể ăn không (liscia), kẹp mứt (con marmalata) hay bánh trứng sữa (con crema). Thường thì vào buổi sáng cà phê được phục vụ trong các quán cappuccino (cà phê sữa đánh sủi bọt). Cà phê tiêu chuẩn là cà phê pha bằng phin, đen và nặng. Ở miền Nam, bữa sáng thường bắt đầu sớm hơn và có thể thiết yếu hơn.

Sự hiếu khách đóng vai trò tối quan trọng trong tập tục làm việc của người Ý, và thường bao gồm việc ăn tối tại nhà hàng. Cho dù bạn cảm thấy gì đi nữa, việc từ chối bất kỳ lời mời nào cũng sẽ bị hiểu như là một sự xúc phạm.

Bữa tối cho công việc chỉ bao gồm một nhóm nhỏ, đặc biệt. Nếu bạn là chủ, hãy tham vấn người liên hệ người Ý của bạn trước khi mời thêm người. Bởi lẽ bạn không có cách nào biết hết được cá tính “bên trong” cũng như cấp bậc của tất cả mọi người, đừng ngại yêu cầu giúp đỡ.

Tuỳ thuộc vào việc quan hệ của bạn với đối tác của bạn phát triển tốt đẹp đến đâu mà các quyết định công việc thường không được đưa ra trong khi ăn. Hãy làm theo những gì người bạn ý ăn cùng bạn làm và đợi họ bắt đầu những thảo luận về công việc. Nên biết rằng các nghi thức của bữa tối rất được coi trọng ở Ý. Nếu bạn cảm thấy mình đã làm buồn lòng người chủ dưới bất kỳ hình thức nào - hãy nói văn hoá của Ý khác văn hoá của nước bạn như thế nào và để họ hiểu là bạn không cố ý. Người Ý biết họ có rất nhiều nghi thức trong mọi việc và họ chịu được những lỗi do vô ý. Tuy nhiên, họ có thể sẽ tế nhị nếu cảm thấy có sự bình phẩm (cho dù không cố tình thế nào đi chăng nữa).

Bữa trưa vẫn là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày ở nhiều nơi và thường được phục vụ sau 12h30 trưa, và đôi khi kéo dài hàng giờ. Cho dù là ở nhà hay ở nhà hàng, bữa trưa là bữa ăn khá tỉ mỉ với nhiều món ăn. Tuy nhiên, theo đặc trưng, bữa trưa bao gồm một món khai vị nhẹ, sau đó là món súp, mỳ ống hoặc cơm, rồi thịt hoặc cá với rau hoặc sa lát. Bữa ăn kết thúc với món tráng miệng hoặc pho mát với hoa quả, và, tất nhiên, cà phê pha bằng phin.

Rượu và nước được phục vụ suốt bữa trưa cùng với bánh mỳ. Thỉnh thoảng, dầu ô lưu được dùng để thay thế cho bơ. Nên tránh dùng bánh mỳ để quét dầu ô lưu hay nước sốt trên đĩa của bạn. Người ý cho rằng rượu nên được nhâm nhi từ từ; hơn thế, họ tự hào là không bị ảnh hưởng bởi rượu. Uống quá nhiều một lúc hay tỏ ra bị say rượu đều bị coi là vụng về và làm hỏng nghi thức làm việc của Ý.

Người Ý cũng có thể cảm thấy bị tự ái nếu bạn dùng tay hoặc ngón tay để ra hiệu cho họ. Nếu cần gọi người phục vụ, bạn hãy hiệu bằng cách chìa các ngón tay xuống hoặc đơn giản là dùng mắt để ra hiệu. Đừng nhai kẹo cao su trong nhà hàng hay trên đường phố. Các khu vực dành cho người không hút thuốc vẫn còn rất hiếm và các biển cấm hút thuốc vẫn thường bị người hút thuốc lờ đi. Nếu bạn được mời ra ngoài, bạn có thể đề nghị trả tiền. Tuy nhiên, theo nghi thức làm việc của người ý, người chủ sẽ từ chối đề nghị này. Như thông lệ bình thường, nên nài nỉ trả tiền nếu bạn là người mời.

Nếu bạn chủ trì một bữa ăn ở nhà hàng và thanh toán hoá đơn, tốt hơn là trả tiền trước bữa ăn. Nguyên tắc này là rất nên tuân theo nếu bạn là phụ nữ bởi sau đó khách có thể sẽ từ chối để cho bạn trả tiền. Khi vào nhà hàng và đi taxi, tiền boa khoảng 10% là đủ. Ngay cả khi tiền boa đã được tính vào hoá đơn, bạn vẫn nên bỏ ra đến khoảng 5% để boa thêm. Bởi lẽ người phục vụ luôn mong đợi tiền boa, bất kỳ khi nào bạn thắc mắc, hãy hỏi xem tiền boa đã được tính vào hoá đơn hay chưa. Cà phê được dùng suốt cả ngày. Thời gian nghỉ để uống cà phê ở giữa các cuộc họp thường được dùng để tái lập lại các quan hệ cá nhân, đặc biệt khi cuộc họp là một cuộc họp căng thẳng. Ngay cả khi bạn không uống được cà phê, hãy tận dụng tối đa thời gian này.

Các quán cà phê (gọi là “bar”) có thể thấy ở khắp mọi nơi: đó là nơi để đến ăn sáng, uống cà phê, ăn bánh mỳ cuộn có nhân cho bữa trưa, uống rượu nhẹ vào buổi tối, và thậm chí chỉ là để ăn một que kem. Đó là điểm đến thường xuyên cho các hoạt động xã hội, thường mở cửa vào tất cả các giờ trong ngày. Những nơi này theo truyền thống có cả chỗ ngồi trong nhà và ngoài trời, và thường được xếp sát vào nhau.

Khi bạn vào quán cà phê, hãy tự tìm chỗ ngồi. Một khi yêu cầu hoá đơn, hãy chuẩn bị tiền để trả, bởi theo đặc trưng, người phục vụ sẽ đợi ở bàn của bạn cho đến khi bạn trả tiền. Bữa tối thường được phục vụ muộn. Ví dụ, 8h đến 9h tối thường lệ là giờ bắt đầu bữa tối ở miền Bắc, 9h tối ở Rome, 10h tối ở Naples. ở các thành phố chính, bữa tối có thể kéo dài đến quá nửa đêm nếu nó thay bữa trưa làm bữa ăn chính trong ngày. Bạn có thể thấy tất cả mọi ni trừ các nhà hàng cho “khách du lịch” đều đóng cửa trước 8h30 đến 9h tối. Nếu bữa trưa là bữa ăn chính trong ngày, bữa ăn tối với gia đình ở nhà sẽ là ăn nhẹ. Trong trường hợp này, bữa ăn thường chỉ đơn giản với mỳ ống hay súp và rút lại với sa lát, tiếp theo là hoa quả theo mùa.

Được mời đến ăn tối tại nhà là một vinh dự hiếm có, vì thế hãy nhận lấy cơ hội này để củng cố quan hệ công việc. Các bữa tiệc buổi tối thường kết thúc vào khoảng nửa đêm hoặc kéo dài đến đầu giờ sáng hôm sau. Khi được mời đến nhà riêng, nên hạn chế việc đi lang thang từ phòng này đến phòng khác. Các bữa tiệc buổi tối hoặc bữa ăn trưa lớn thường bắt đầu bằng món rượu nhẹ như rượu cinzano, vecmut, hay campari. Thứ đồ uống phổ biến sau bữa tối là grappa, thứ rượu brandi làm từ vỏ và rễ nho; một thứ đồ uống khác là sambuca, một thứ đồ uống có mùi vị thơm. Các loại rượu đặc trưng thường được dùng trong bữa tối và được lựa chọn cẩn thận để bổ sung cho các món ăn. Lại một lần nữa phải nhắc lại, khi rượu được dùng trong bữa ăn, nó nhằm làm cho hương vị các món ăn thêm đậm đà chứ không phải để uống cho say.

Rượu trắng (bianco) theo đặc trưng được dùng với các món khai vị hoặc cá, trong khi rượu đỏ (rosa) thường đi cùng với các món khai vị và thịt. Rượu ngọt hơn sẽ được dùng với đồ tráng miệng. Câu nói để nâng cốc phổ biến nhất là “salute” (chúc sức khoẻ ông) hoặc dân dã hơn là “cin-cin”. Vị trí vinh dự nhất là giữa các bên bàn, người quan trọng nhất sẽ ngồi ngay bên phải chủ. Nếu hai vợ chồng cùng chủ trì một bữa tiệc thì một người sẽ ngồi ở đầu bàn này còn người kia ngồi ở đầu bàn bên kia. Thỉnh thoảng, tại các bữa tiệc ăn tối, các cặp có thể bị chia cắt và xếp ngồi cạnh người mà họ không biết trước. Mục đích của sự sắp xếp này là giới thiệu những người lạ với nhau và tạo các cuộc hội thoại.

Người Ý không đổi tay khi cần dao và dĩa như người Mỹ. Khi dùng cả hai, dao vẫn được cầm ở tay phải, và dĩa vẫn được cầm ở tay trái. Có thừa rất nhiều đồ dao dĩa. Nếu bạn không chắc dùng cái nào, cách tốt nhất là bắt đầu từ cái ngoài cùng và dùng dần vào theo từng món ăn. Đưa đĩa ra ở phía bên trái bạn. Việc rời bữa ăn để vào nhà tắm hay vì bất kỳ một mục đích nào khác đều bị coi là cử chỉ xấu. Món ăn ý rất đa dạng bao gồm cảm thập cẩm (món ăn với cơm là món chính), mỳ sợi và mỳ ống, bánh piza, gnocchis, súp và thịt hầm. Đồ ăn biển và cá rất phong phú khắp nước ý nhờ có đường bờ biển dài. Rau và hoa quả rất ấn tượng đặc biệt là ở miền Nam. Hãy cẩn thận với việc cho thêm muối, hạt tiêu hay nước sốt cà chua bởi việc này có thể khiến người chủ cho là món ăn bị nấu nhạt hay nếu không thì cũng thiếu gia vị.

Thay vì việc cắt rau diếp vào sa lát, bạn nên cuộn chúng lại thành cuộn để có thể dùng dĩa để ăn. Nếu ăn mỳ ống, đừng dùng thìa để trợ giúp trong việc ăn món này. Thay vào đó, hãy thận trọng dùng dĩa và thành bát hoặc đĩa để xoắn lại thành búi có thể gắp được. Sau đó cho cả dĩa đầy mỳ vào miệng một lúc; nhai tóp tép món ăn bị coi là cử chỉ xấu. Nếu có nước thịt luộc hoặc nước sốt bạn có thể dùng bánh mỳ để nhúng ăn. Tuy nhiên, đừng đến nỗi phải dùng bánh mỳ để vét xung quanh đĩa. Khi bữa ăn kết thúc giao và dĩa được để song song với nhau ngang thành bên phải của đĩa. Nếu bạn để cả hai đồ dùng này xuống đĩa lâu hơn bình thường một chút, đó là biểu hiện của việc bạn đã ăn xong và đĩa của bạn sẽ bị mang đi.

Khi không ăn vẫn phải để tay trên bàn

Khẩu phần ăn thường ít, nhưng có nhiều món hơn

Bạn luôn được chào đón khi dùng thêm đồ uống

Bạn không nên ăn hết tất cả mọi thứ trên đĩa, nhưng ăn hết mức có thể. Nếu bạn không muốn ăn thêm thức ăn, bạn có thể sẽ phải nài nỉ vài lần trước khi người chủ tin bạn

Một tách cà phê phin đen đặc theo truyền thống được dùng để kết thúc bữa ăn. Đồ uống này nên được uống nhanh bởi nó có thể nhanh chóng bị nguội và trở nên không ngon

Nếu bạn muốn uống cà phê không có chất caffeine, hãy dùng loại có dòng chữ “hag”, có nghĩa là không có caffeine.

Nét Lạ Trong Ẩm Thực Ấn Độ

Nếu như người Á Đông thường dùng đũa để gắp thức ăn, người Tây Âu dùng dao và thìa thì người Ấn Độ lại dùng tay. Có lẽ xuất phát từ cách ăn này mà đưa đến sự khác biệt rõ nét trong cách chế biến các món ăn.

Với người Ấn, gia vị được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra một món ăn ngon. Chúng có tác dụng làm sánh đặc thức ăn ở dạng bột thường được làm từ ngũ cốc như bắp, lúa mạch, đậu. Loại gia vị tạo hương thơm đặc trưng của người Ấn và không thể thiếu trong nhiều món ăn là lá càri. Thường ở các dạng tươi, sấy khô hay được xay nhuyễn thành dạng bột. Bên cạnh còn có nhiều loại gia vị ở dạng nước cũng có tác dụng tạo mùi thơm; chúng được chiết xuất từ các loại thảo mộc như nguyệt quế, tiểu hồi, đại hồi, thảo quả, hồ trăn, đinh hương. Ngoài ra còn phải kế đến các loại gia vị ở dạng bột làm từ trái cây như dừa, me, xoài… để tạo ra các vị chua, cay, béo. Trước khi dùng để nêm vào thức ăn, gia vị luôn được rang cho khô, như thế thì hương thơm mới đậm đà, lâu tan.
Trong cách chế biến món ăn của người Ấn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận, thì vấn đề tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng. Người Hồi giáo kiêng khem thịt heo trong khi người Ấn giáo lại không dùng thịt bò, do đó thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản.

Cũng giống như các quốc gia châu Á khác, cơm vẫn là món chính trong bữa ăn của người Ấn. Tuy nhiên hoàn toàn khác với cách nấu cơm của người Việt. Người Ấn lấy gạo xào với dầu hay bơ trước, sau đó mới cho nước vào nấu, khi cơm gần chín còn cho nhiều hương liệu khác như tiêu, hạt cumin, quế… Bên cạnh món cơm chiên thông thường còn có cơm nấu với cá, thịt gà, rau củ.


Người Ấn dùng món càri trong mỗi bữa cơm thường ngày với rất nhiều khẩu vị khác nhau: càri trứng, hải sản, thịt băm càri, chả viên càri, càri gà, càri bắp cải khô, càri rau củ… và thường là được nấu ở dạng khô. Món càri kiểu Ấn thơm ngon luôn có sự góp mặt của nhiều loại gia vị như: dầu, bơ, quế, đinh hương, nguyệt quế, thảo quả.

Các món thịt cũng được chế biến hết sức độc đáo. Theo phong tục của người Ấn, trong các buổi tiệc cưới hỏi, lễ lạc quan trọng không thể thiếu món cừu nấu với hạnh nhân, món thịt cừu nướng cũng được xem là món ngon nhưng có cách chế biến khá lạ. Thịt cừu được đặt trong nồi đất, nấu trên bếp than hay bếp củi, bên trên nắp phải đặt than hồng. Theo họ, như thế thịt cừu vừa thơm vừa giữ được vị ngọt nguyên thủy.

Nước sữa và nghệ tây là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Ấn Độ. Được chế biến từ hạnh nhân, hạt pít-tat, sữa, thảo quả, nghệ tây, cho thêm chút rượu. Thường được dùng như một thức uống giải khát thường thấy trong các lễ hội hoa đăng, lễ hội mùa xuân .

Somen - Mì Truyền Thống Nhật Bản

Đối với người Nhật Bản, món mì Somen là một loại mì khá phổ biến, được dùng trong chế biến nhiều món khác nhau trong bữa ăn của người Nhật. Đây là một loại mì có truyền thống lâu đời, và được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sản xuất mì đã trở thành cả một nghệ thuật ở Nhật Bản. Ngay tại thị trấn Sakurai, có m ột nhà máy sản xuất mì Somen trong suốt 290 năm qua. Somen đươc làm từ bột mì và nước muối, và sợi mì mỏng có đường kính vào khoảng 1,3 mm.
Yamamoto Taharu, chủ của hàng cửa hàng của nhà máy này cho biết: "Mì Somen có xuất xứ từ Trung Quốc, được đưa vào Nhật khoảng 1200 năm trước. Có nhiều loại mì khác nhau, ví như mì Udon chẳng hạn, loại này được cắt ra. Hay mì spaghetti của Ý, cái này cần phải tạo khuôn nhưng Somen thì mỏng hơn và dài hơn nhiều”.
Quá trình làm mỏng và kéo dài các sợi mì Somen phải trải qua tới 30 bước khác nhau, kéo dài trong 36 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, từng ấy thời gian cũng vẫn chưa đủ. Mì sau khi được sản xuất còn phải chuyển tới khi, giữ trong đó 1 đến 2 năm để chín và ngấu, sau đó mới được mang ra ăn.
Cách đây 30 năm, người ta vẫn làm Somen bằng tay, nhưng giờ các quy trình cũng được máy móc hóa phần nào.
Chủ nhà máy cho biết, giá của mì Somen có đắt hơn các loại mỳ khác ở Nhật, do phải tốn nhiều thời gian làm ra loại mì này, thế nhưng sắp tới giá mì Somen còn tăng nữa. Từ đầu tháng 4 Chính phủ Nhật đã tăng giá bột mỳ. Và chủ nhà máy phải nhập hàng với giá tăng 30% so với trước đây.

Nét Tinh Tế Của Ẩm Thực Nhật Bản

Nghệ thuật ẩm thực xứ anh đào là sự hoà trộn khéo léo và tinh tế của màu sắc, hương vị cũng như t ôn giáo truyền thống. Đến với đất nước xinh đẹp này, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những món ăn đặc sắc thú vị.

Người Nhật rất coi trọng các món ăn truyền thống, trong đó có cơm, cá và rong biể n. Hầu như người dân nơi này không thích thịt. Dưới bàn tay sáng tạo của các đầu bếp, món ăn Nhật là sự kết hợp tinh tế của mùi vị, của màu sắc.

Người Nhật thường dùng đũa để ăn, đặc biệt họ rất thích bày biện món ăn bằng những bát, đĩa nhỏ xinh. Cơm là loại lương thực chiếm ưu thế trong mọi bữa ăn của người dân Nhật, bên cạnh đó, rất nhiều loại mì cũng được yêu thích, như mì Udon hay Soba. Một bữa tối thường thấy ở một gia đình Nhật luôn gồm có một bát cơm, kèm với rau bina, củ cải hoặc dưa góp. Rong biển sấy có thể được dùng để cuộn cơm hoặc dùng để ăn không. Đậu phụ làm từ đậu nành, có thể được dùng ở một trong rất nhiều dạng của món này như lạnh, nóng, trong súp, ăn không, sấy khô hoặc có thể dùng như món tráng miệng.

Trong những dịp đặc biệt, người Nhật thường ăn sushi, là sự kết hợp của cá sống và cơm, hay sashimi, món cá sống không kèm cơm, teppan, món cá được luộc trong xì dầu, hay món lươn.

Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, không thể không nói tới rượu sake. Được làm từ gạo, sake là một thức uống nổi tiếng bởi độ cồn cao. Khi uống sake, mọi người luôn phải rót sake cho người khác, không bao giờ được tự rót cho mình, nhưng nếu dốc cạn chai thì chỉ được rót vào chén riêng của mình.

Ẩm Thực Hy Lạp

Các món được ưa chuộng

Người Hy Lạp có nhiều món khai vị ngon lành được dọn lên trước khi vào món chính. Món khai vị nổi tiếng nhất trong số đó là taramasalata, một món dầm làm từ trứng cá. Một món khác, tzaiziki, làm từ dưa chuột và tỏi trộn với sữa chua. Các món ngon lành này ăn với bánh mì hoặc rau.
Vài món súp được biết tới nhiều như avgolémono (một món nấu từ nước luộc gà với gạo, trứng và chanh) và psarósoupa(món canh cá).
Trong số các món thịt nổi tiếng có souvláki (thịt cừu nướng nguyên con) và keftédes (thịt viên). Mousaká là bánh nhân thịt băm, lá húng và pho mát. Dolmádes là món lá nho bọc thịt bắm và gạo, còn styphasdo là món thịt hầm.
Các món hải sản như tôm panda, tôm, tôm hùm, bạch tuộc và mực ống htường đựơc ăn với chanh và nước xốt dầu ô liu. Cá thường được nướng hoặc làm chả.

Các bữa ăn

Bữa sáng, hay proceno là bữa ăn nhẹ thường vào lúc 7 giờ. Nhiều người chỉ uống cà phê Hy Lạp, loại cà phê đặc quẹo pha thêm chút đường. Đôi khi người ta uống cà phê cùng với một lát bánh mì phết bơ, mật ong hoặc mứt.
Bữa trưa, yevma, là bữa hcính, và mọi người ăn tại nhà vào khoảng từ hai đến ba giờ chiều. Bữa này gồm món khai vị, thịt hoặc cá, xà lách, sữa chua với mật ong và trái cây tráng miệng. Rượu vang, bia và nước khoáng cũng thường được uống vào bữa trưa. Cà phê theo tập quán được uống sau khi ăn xong. Ở nông htôn, bữa trưa được ăn vào giờ nghỉ trưa, khi các trường học và công sở đóng cửa.
Bữa tối theo kiểu Hy Lạp là deipnon. Người ta ăn bữa tối khá muộn, khoảng 10 giờ đêm. Nhưng phần lớn mọi người đều lót dạ bữa xế hay mezedakia vào lúc chiều muộn. Nhiều loại đồ ăn như ô liu, pho mát, bánh mì mới nướng, một ít thịt cừu hoặc cá nướng được dọn ra như để khai vị cho bữa tối sau đó, vì vậy không ai bị quá đói cả.
Các bữa tối ở gia đình có thể có các món như bữa trưa nhưng bánh ngọt thường được dọn ra sau trái cây.
Người Hy Lạp thường ra ngoài ăn tối tại các tavérna địa phương. Có nhiều món cho họ lựa chọn và khách ăn có thể vào tận nhà bếp để quan sát việc nấu nướng.

Phép tắc ăn uống và tiếp đãi bạn bè

Bởi vì lòng hiếu khách được coi là đặc trưng căn bản của văn hóa Hy Lạp và là sự mở rộng một cách tự nhiên tính cách người Hy Lạp, nên không có những quy định cứng nhắc trong phép tắc ăn uống. Nhưng cũng như bất kỳ nền văn hóa nào khác, có một số yêu cầu về phép xã giao cần tuân theo.
- Khách có đến muộn vài phút là chuyện hoàn toàn bình thường
- Tại bàn ăn, người khách đàn ông danh dự ngồi bên phải bà chủ, trong khi người phụ nữ dang dự ngồi bên phải ông chủ.
- Người cao tuổi nhất được phục vụ trước tiên
- Bánh mì được để thẳng lên bàn ăn, không có đĩa đựng bánh mì và bơ.
- Không được thu tay trong lòng, cổ tay phải để trên bàn.
- Nếu ăn uống cùng bạn bè thân mật, thì có thể chống khủyu tay trên mặt bàn.
- Khách phải ăn uống cho thật tình để chủ nhà khỏi phật lòng.
- Bạn thân hay họ hàng lấy đồ ăn từ dĩa của nhau là chuyện hoàn toàn bình thường nếu trong bữa ăn không có người lạ.
Một trong những điều quan trọng mà thực khách nên làm khi đến chơi nhà là khen ngợi lòng hiếu khách và tài nấu nướng của ông bà chủ. Người Hy Lạp thường bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị tiếp khách, nên họ sẽ rất thất vọng nếu không nhắc đến chuyện đó.

Cà phê Hy Lạp

Người Hy Lạp uống loại cà phê đen, đậm và xay mịn gọi là kafedaki. Thứ thức uống truyền thống này được pha trong bình có tay cầm dài gọi là briki.
Những bình briki được rót vào hai, bốn hoặc sáu cốc demitasse. Cà phê Hy Lạp không nên rót nhiều vì nó có lớp bọt nổi lên trên, thứ bọt đó được cho là mang theo may mắn, nhưng lại rất dễ tan ra. Cà phê được uống không đường, ngọt vừa hoặc rất ngọt và kèm theo một ly nước lạnh. Kafedaki được uống từng ngụm nhỏ một cách từ tốn, tránh làm vẩn cặn lắng ở dưới đáy cốc. Một trò tiêu khiển được ưa thích là để lại một ít cà phê trong cốc, úp ngược xuống đĩa là để cho nó khô đi. Các thầy bói có thể đọc ra được tương lai của chủ nhân qua hình dạng chỗ bã cà phê khô đó.

Yiassas

Thức uống quốc hồn quốc túy của Hy Lạp là ouzo, một loại rượu mạnh nguyên chất được cất từ bã nho sau khi làm rượu vang. Trông nó trong vắt như nước, nhưng có mùi cam thảo khá gắt và có thể nặng tới 50 độ. Onzo thường được uống nguyên chất không pha, mặc dù có nhiều người thích cho thêm ít nước đá khiến nó trở nên trắng đục như sữa.
Retsina, loại rượu vang cổ điển của Hy Lạp có mùi rất thơm của nhựa thông. Nhiều người cho rằng vì rượu vang đầu tiên được chứa trong các thùng làm bằng gỗ thông nên nó mới hương vị như vậy. Những người khác lại nói bằng nhựa thông là chất bảo quản rượu, chỉ có điều người Hy Lạp đã quen với hương vị đó qua nhiều năm. Nhiều người tin là nhựa thông giúp tiêu hóa dầu mỡ và các thức ăn giàu đạm.
Trước khi uống ngụm đầu tiên một loại thức uống có cồn, người Hy Lạp thường cụng ly với những người bạn và nói một câu chúc mừng. Thường thì họ nói “yiassas” có nghĩa là “chúc sức khỏe”.